Tăng Ni toàn tỉnh trang nghiêm Bố-tát tập trung và tham dự buổi tuyên truyền kiến thức giới luật Phật giáo
- Thứ năm - 31/10/2024 21:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng ngày 31/10/2024 (nhằm ngày 29/9/Giáp Thìn), tại trú xứ chùa Sùng Ân (phường Phủ Hà, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chư Tôn đức Tăng Ni toàn tỉnh đã trang nghiêm tụng giới tập trung và tham dự buổi tuyên truyền kiến thức giới luật Phật giáo.
Tại trú xứ chùa Sùng Ân, chư Tôn đức Tăng Ni toàn tỉnh đã trang nghiêm tụng giới Bồ Tát trong kinh Phạm Võng dưới sự chủ trì của HT. Thích Hạnh Thể - Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận; cùng chư Tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Bố-tát là truyền thống sinh hoạt đặc thù của Tăng đoàn được thực hiện từ thời Đức Phật, qua nhiều thế hệ; mục đích chính của việc Bố-tát định kì là duy trì sinh mệnh tồn tại của Tăng đoàn theo tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Bên cạnh đó, phần trùng tuyên giới luật Phật chế trong lễ Bố-tát cũng là dịp để chư Tăng Ni cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của người tu hành, duy trì thiền môn quy củ, nuôi lớn thiện pháp, giới thân huệ mạng để trưởng dưỡng đạo tâm, góp phần trang nghiêm Giáo hội.
Từ ý nghĩa quan trọng ấy, ngoài việc Bố-tát theo định kì vào ngày 15 và ngày 30 (tháng thiếu vào ngày 29) Âm lịch mỗi tháng theo luật định. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh còn tổ chức 2 tháng một kì cho Tăng Ni toàn tỉnh tập trung Bố-tát (tụng kinh Phạm Võng) và học luật, triển khai các công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà.
Sau khi trì tụng kinh Phạm Võng, chư Tôn đức đã tham dự buổi tuyên truyền kiến thức giới luật Phật giáo.
Trước tiên, Thượng tọa Thích Thông Huệ - Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh đã chia sẻ đề tài “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp” đến chư Tôn đức Tăng Ni, Thượng tọa đã nêu lên vai trò của giới luật, trong đó định nghĩa cụ thể về Giới, về Luật; giới luật được xem là những bậc thang căn bản cho người tu vững bước trên lộ trình tiến đến giác ngộ. Đồng thời, Thượng tọa cũng đề cập đến nội dung quan trọng đó là tư cách của vị trụ trì, giới hạnh của vị trụ trì đóng vai trò chính yếu trong việc thiết lập niềm tin nơi quần chúng để mọi người có cái nhìn tốt đẹp về một vị Thầy dẫn đường chuẩn mực, về một đạo Phật chứng nghiệm, góp phần vào việc hướng dẫn, định hướng một đời sống đạo đức tâm linh, chuyển hóa những người chưa hiểu đạo vào đạo là một trong sứ mạng duy trì Phật pháp. Không chỉ dừng lại ở tư cách trụ trì, Thượng tọa còn triển khai đầy đủ về đức hạnh của người sơ tâm xuất gia, nhấn mạnh trách nhiệm của vị thầy Bổn sư khi nhận xuất gia hoặc cho thọ giới cần hết sức cẩn thận trong xem xét, phải trải qua thời gian giáo huấn nghiêm túc, rèn luyện tư cách đức hạnh, tránh tình trạng dễ duôi để “tặc tâm xuất gia” làm ảnh hưởng đến Phật pháp mai sau.
Tiếp theo chương trình, TT. Thích Hạnh Huệ - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã chia sẻ nội dung “Đại cương về Yết ma”. Trong Phật giáo, giới luật đóng vai trò quan trọng, là mạng mạch của Phật pháp, giới luật tuy nhiều nhưng không ngoài hai phần Chỉ trì (liên quan đến các học xứ) và Tác trì (liên quan đến các Kiền-độ hay các pháp Yết-ma). Thượng tọa đã dẫn chứng trong một cộng đồng xã hội, sở dĩ được hưng thịnh là bắt đầu bằng yếu tố cơ bản, đó là thống nhất ý chí và hành động, đối với Phật giáo cũng vậy, sự thanh tịnh và hòa hợp là yếu tố tiên quyết cho mạng mạch của Tăng già. Tăng già có thanh tịnh và hòa hợp thì Phật pháp mới trường tồn. Trong đó, ý chí hòa hợp đưa đến hành động thanh tịnh của Tăng già chính là “tác pháp Yết-ma”, được xem như một nguyên tắc nghị sự trong tổ chức Tăng đoàn. Chính vì vậy, nền tảng của pháp Yết-ma là làm cho đời sống của Tăng già mỗi ngày càng vững mạnh và hưng thịnh. Thượng tọa cũng nhắn gửi đến đại chúng rằng sự tồn tại của Tăng đoàn là sinh mạng của Phật pháp, dựa trên nền tảng thanh tịnh và hòa hợp, được biểu hiện cụ thể bằng sự thống nhất về ý chí và hành động; do đó, hiểu rõ Chỉ trì và thông suốt các pháp Yết-ma Tác trì là bổn phận hiển nhiên của một Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni, sự tận diệt của chánh pháp là khi các pháp Yết-ma không còn được thực hiện. Đó cũng chính là vai trò, trách nhiệm, là nền tảng căn bản, là mạng mạch để chánh pháp được trường lưu.
Ban đạo từ tại buổi thông tin, tuyên truyền kiến thức giới luật Phật giáo và các Phật sự quan trọng của Giáo hội, HT. Thích Hạnh Thể - Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã bày tỏ niềm hoan hỉ khi chư Tăng Ni cùng tập trung về trụ sở Giáo hội để cùng tụng giới Bồ tát trong kinh Phạm Võng. Hòa thượng đã nhắc lại những trọng tâm cần lưu ý ở phần giáo giới của nhị vị Thượng tọa vừa trình bày; thông qua các nội dung này, Hòa thượng đã tái khẳng định tầm quan trọng của giới luật, của việc tác pháp Yết-ma trong hệ thống Luật tạng, về tư cách trụ trì và đức hạnh của vị tu sĩ.
Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng nhắc lại huấn từ của Đức Pháp chủ, bày tỏ mong muốn mỗi vị tu sĩ Phật giáo phải ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của Luật học, từ đó áp dụng trong đời sống tu học của tự thân, đồng thời mỗi người chúng ta phải biết phản quan tự kỷ, nhìn nhận, xem xét lại hành vi của tự thân để từ đó có sự chỉnh đốn cũng như khắc phục sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức, phù hợp với luật Phật. Người tu sĩ nên ý thức rằng sự tồn tại thống nhất và ý chí hành động của Tăng là sinh mệnh của Phật pháp. Trên tinh thần thượng tôn Giới luật, nguyên tắc bình đẳng, Hòa thượng đã trưng cầu ý kiến của chư Tôn đức Tăng Ni, ghi nhận lắng nghe và từ đó khuyên bảo, khuyến tấn nghiêm túc khắc phục chỉnh đốn xử lý những hành vi cố tình vi phạm phép tắc đạo đức thiền gia.
Một số hình ảnh ghi nhận được: