Sáng ngày 02/11/2024 (nhằm ngày mùng 02/10/Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến chùa Bửu Vân (phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã trang nghiêm Lễ Tưởng niệm húy nhật lần thứ 33 cố Hòa thượng khai sơn trụ trì chùa và kỷ niệm 50 năm thành lập chùa Bửu Vân.
Tham dự buổi lễ có HT. Thích Hạnh Thể - Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Trụ trì chùa Bửu Vân; TT. Thích Thông Huệ, TT. Thích Tâm Ngọc, TT. Thích Thông Tánh - đồng Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; cùng chư Tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, các ban ngành Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN các huyện thành phố.
Về phía chư Ni, có NT. Thích nữ Mỹ Đức, NT. Thích nữ Mỹ Thái - đồng Chứng minh Phân Ban Ni giới GHPGVN tỉnh; NT. Thích nữ Diệu Nguyện - Cố vấn Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh; NS. Thích nữ Đức Hải - Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh; NT. Thích nữ Liên Thắng; cùng chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện trong toàn tỉnh; quý quan khách đại diện lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Ninh Thuận, Sở Nội vụ tỉnh, Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN phường Đô Vinh và các phường trong toàn thành phố; cùng đông đảo quý thiện nam tín nữ Phật tử trong tỉnh đồng tham dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, chư Tôn đức Ban Kinh sư đã cử hành nghi thức khai kinh, cúng ngọ.
Tiếp theo chương trình, HT. Thích Hạnh Thể cùng chư Tôn đức Tăng Ni và môn đồ pháp quyến đã quang lâm Tổ đường, cử hành lễ tưởng niệm cố Hòa thượng khai sơn trụ trì chùa và kỷ niệm 50 năm thành lập chùa Bửu Vân.
Trước tiên, TT. Thích Thông Tánh tuyên đọc lịch sử quá trình hình thành và phát triển chùa Bửu Vân.
Chùa Bửu Vân tọa lạc trên quốc lộc 11 cũ (nay là quốc lộ 27) thuộc thôn Nhơn Hội, phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Mảnh đất này nguyên là của ông Đình bà Đình, rồi giao cho thôn/ xã, sau đó thôn/ xã giao lại cho chùa. Vào năm 1974, với sự ân cần tha thiết của đồng bào Phật tử thôn Nhơn Hội, cố HT. Thích Viên Dung được pháp huynh là cố HT. Thích Huyền Tân - Trụ trì tổ đình Thiền Lâm hướng dẫn mọi thủ tục và được người chị là cụ bà Huỳnh Thị Nhạn - pháp danh Như Phụng ủng hộ mọi tài chính để thành lập ngôi bảo tự chùa Bửu Vân. Cũng trong mùa xuân năm 1974, chính thức khởi công xây dựng chùa Bửu Vân, dưới sự chứng minh khai sáng của cố HT. Thích Trí Thắng - Trụ trì tổ đình Thiên Hưng và cố HT. Thích Huyền Tân - Trụ trì tổ đình Thiền Lâm. Mùa đông năm 1974, làm lễ Quy điện và an vị Phật khánh tạ ngôi Tam bảo.
Vào năm 1975 là thời kì giao tranh khốc liệt để thống nhất đất nước, tuy chùa Bửu Vân gần địa phận sân bay Thành Sơn và nhà máy điện, bom giặc dội vào những khu vực này rất nhiều, nhân dân thương tật vô số, nhưng chùa Bửu Vân vẫn bình an, hiên ngang trong ngày giải phóng, đất nước thống nhất độc lập và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Năm 1990, cố HT. Thích Viên Dung giao lại trọng trách trụ trì cho đệ tử là HT. Thích Hạnh Thể đảm nhiệm và Ngài an nhiên thị tịch vào năm 1991. Tiếp nối tâm nguyện của bổn sư và thực hiện chí nguyện phát triển thiền môn hưng thịnh của mình, HT. Thích Hạnh Thể bắt đầu xây dựng cổng chùa, tượng đài Quan Âm và Di Đà lộ thiên, tường rào, nhà hậu Tổ, nhà tây, nhà Tăng chúng và các công trình khác để chùa Bửu Vân được khang trang như ngày hôm nay.
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, Tăng chúng chùa Bửu Vân phụng hành lời chư Phật chư Tổ để xiển dương chánh pháp, làm lợi lạc quần sanh. Với chủ trương tu tập theo pháp môn Tịnh Độ và đạo tràng Pháp Bửu, chùa đã quy y cho hàng ngàn tín đồ Phật tử gần xa.
Tiếp theo, ĐĐ. Thích Thông Ngộ đã thay lời môn đồ pháp quyến dâng lời tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Viên Dung - Khai sơn trụ trì chùa Bửu Vân.
Theo tiểu sử, Hòa thượng người họ Trần, sinh năm 1920 tại thôn Đức Nhơn, tỉnh Ninh Thuận; Tổ phụ ở thôn Cảnh Vân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nguyên thế danh Trần Hữu Thức, Trần Văn Lang, năm 1945 đổi thành Trần Hữu Cảnh. Ngài là con trai duy nhất của cụ ông Trần Cang và cụ bà Ngô Thị Nhàn, gia đình trung lưu hấp thụ lễ giáo Nho gia, nhiều đời phụng thờ Tam bảo. Ngài am tường Hán học và Pháp văn.
Năm 1949, Ngài nhận chân cuộc đời là giả tạm vô thường nên quay về Tổ đình Thiên Hưng xuất gia tu học, được cố Hòa thượng Thích Trí Thắng chấp thuận và phú pháp danh là Như Hương. Năm 1952, Ngài thọ Đại giới tại Giới đàn Ấn Quang (Sài Gòn), được bổn sư cho Pháp tự Giải Vị. Trong thời gian này, Ngài được tham dự khóa giảng sư đoàn, được đi thuyết giảng tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Năm 1956, Hội Phật học Phan Rang, Ninh Thuận thỉnh Ngài về trụ trì chùa Sùng Ân cơ sở Giáo hội. Năm 1958, Ngài về Khánh Hòa tham cứu tu học, được cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu phú Pháp hiệu là Viên Dung. Năm 1964, Ngài được cử chức vụ Tổng Thư ký Hội Phật giáo tỉnh Ninh Thuận kiêm Đặc ủy Tăng sự. Năm 1974, thể theo lời thỉnh cầu của thiện tín nam nữ thôn Nhơn Hội, vâng lời Pháp huynh là cố HT. Thích Huyền Tân (trụ trì Tổ đình Thiền Lâm), Ngài về khai sơn ngôi chùa Bửu Vân và được sự hộ pháp đắc lực của người chị là cụ bà Huỳnh Thị Nhạn - Pháp danh Như Phụng. Năm 1981 - 1989, Ngài làm Chánh Đại diện thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, kiêm Trưởng Ban Kiến tạo tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên chùa Sùng Ân cơ sở Giáo hội. Ngài cũng đã khai sáng đạo chùa Lưu Sơn - Khu phố 7, Xóm Dừa; khai sơn chùa Bửu Lâm Ni Tự tại phường Phước Mỹ. Ngài sống một cuộc đời bình dị, lấy tinh thần lục hòa cùng chư Tôn Thiền đức Tăng Ni trong tỉnh xiển dương đạo pháp.
Ngày Rằm tháng 10 năm Canh Ngọ (1990), Ngài trao trọn quyền thừa kế cho đệ tử là Thích Hạnh Thể giữ chức vụ trụ trì chùa Bửu Vân. Vào lúc 14 giờ 00 ngày mùng 02 tháng 10 năm Tân Mùi (1991), Ngài bỏ tứ đại quay về bổn tánh an nhiên thị tịnh. Một đời Ngài vì Phật giáo đến đây hạnh nguyện đã viên mãn.
Tiếp theo chương trình, chư Tôn đức Tăng Ni đã dâng hương tưởng niệm và dâng trà cúng dường giác linh cố Hòa thượng khai sơn trụ trì chùa Bửu Vân.
Tác giả bài viết: Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN tỉnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn